Liệt kế các mục đích thực hiện đánh giá học sinh

Liệt kế các mục đích thực hiện đánh giá học sinh

Câu hỏi 1. Tại sao phải thay đổi cách đánh giá học sinh Tiểu học?

Trả lời:

Theo quan niệm hiện nay, mục đích chính của hoạt động đánh giá HS là nhằm góp phần bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, cần có các hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của HS; tư vấn, hướng dẫn, động viên HS học tập, rèn luyện để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất.

Như vậy, nội dung khái niệm đánh giá hiện nay đã phát triển hơn so với trước đây. Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy định về đánh giá và xếp loại HS Tiểu học còn rất hạn chế về tác dụng giúp đỡ HS vì chỉ quy định đánh giá kết quả cuối cùng mà HS đạt được trong từng giai đoạn. Do vậy, Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT đã không còn phù hợp trong việc chỉ đạo dạy và học theo định hướng đổi mới, buộc phải thay đổi cách đánh giá cho phù hợp với xu thế phát triển và đường lối chỉ đạo trong giai đoạn mới.

Câu hỏi 2. Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ban hành nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá HS Tiểu học nhằm 4 mục đích chính sau:

1. Giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của HS để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi HS để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của HS; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục Tiểu học.

2. Giúp HS có khả năng tự nhận xét, rút kinh nghiệm và tham gia nhận xét; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ.

3. Giúp cha mẹ HS hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ HS) tham gia nhận xét, đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục HS.

4. Giúp cán bộ quản lí giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục.

Câu hỏi 3. Nguyên tắc đánh giá HS Tiểu học?

Trả lời:

4 nguyên tắc cơ bản khi đánh giá HS Tiểu học theoThông tư 30/2014/TT-BGDĐT:

1. Đánh giá vì sự tiến bộ của HS; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.

2. Đánh giá toàn diện HS thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS theo mục tiêu giáo dục Tiểu học.

3. Kết hợp đánh giá của GV, HS, cha mẹ HS, trong đó đánh giá của GV là quan trọng nhất.

4. Đánh giá sự tiến bộ của HS, không so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, giáo viên và cha mẹ HS.

Câu hỏi 4. Nội dung đánh giá HS Tiểu học?

Trả lời:

Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy định đánh giá HS Tiểu học bao gồm 3 nội dung chính sau:

1. Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

2. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của HS:

- Tự phục vụ, tự quản;

- Giao tiếp, hợp tác;

- Tự học và giải quyết vấn đề.

3. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của HS:

- Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục;

- Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm;

- Trung thực, kỉ luật, đoàn kết;

- Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.

Câu hỏi 5. Việc đánh giá HS Tiểu học cần lưu ý những vấn đề gì?

Trả lời:

Việc đánh giá HS Tiểu học cần lưu ý một số vấn đề sau:

Cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét: GV cần vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là viết. Giáo viên phải dựa vào mục tiêu, nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của HS với yêu cầu của hoạt động, với chuẩn kiến thức, kỹ năng ; xem xét cả đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh của HS để có nhận xét xác đáng, kịp thời, sao cho khích lệ được HS, làm cho các em hứng thú học tập, đồng thời tư vấn, hướng dẫn, giúp các em biết được những hạn chế và biết tự khắc phục.

Việc viết nhận xét cũng vận dụng linh hoạt: Viết vào vở hoặc phiếu học tập, hoặc bài kiểm tra của HS sao cho thuận tiện; giáo viên phối hợp với HS và phụ huynh cùng đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng đến sự tiến bộ của HS.

Viết vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục: Sổ theo dõi chất lượng giáo dục thay thế sổ ghi điểm trước đây và cũng được coi như sổ nhật ký về đánh giá HS. Sổ này chỉ dành cho GV ghi nhận xét, theo dõi giúp đỡ HS.

Mặc dù Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT quy định, yêu cầu HS nào cũng được quan tâm đánh giá, GV không được quên em nào. Tuy nhiên, GV chỉ cần ghi những điểm nổi bật hoặc những điều cần thiết về HS để theo dõi và có biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời (đối với HS chưa hoàn thành GV giúp HS tự hoàn thành hoặc những HS hoàn thành tốt, GV giúp HS phát huy, có hứng thú học tập hơn). Không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả HS hằng tháng. Như vậy sẽ không còn thấy việc ghi nhận xét nặng nề, quá tải. Đương nhiên, GV sẽ mất thêm thời gian so với trước đây. Trước đây đã quy định GV vừa phải cho điểm vừa phải nhận xét, nhưng do nhiều GV chưa làm hết trách nhiệm, chỉ quen cho điểm mà không ghi nhận xét nên khi Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT quy định phải ghi nhận xét thì GV nghĩ đây là việc làm mới.

Theo cách đánh giá của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, một GV dù dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần thiết kế một cuốn sổ (sổ bằng giấy hoặc sổ điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục, do GV quản lý, sử dụng. Sổ này có thể để tại lớp học hoặc tại trường hoặc mang về nhà, tùy theo điều kiện cụ thể. Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT không yêu cầu mỗi GV phải có nhiều cuốn sổ.

Như vậy, GV và nhà trường có thể thiết kế một cuốn sổ theo dõi chất lượng chung để tại lớp học, miễn sao đạt mục đích yêu cầu của sổ theo dõi chất lượng giáo dục theo tinh thần của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT.

Mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục do Bộ hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó; mặt khác, giáo viên có thể dùng sổ điện tử thay cho sổ bằng giấy. Các nhà trường cần thực hiện nghiêm chỉnh công văn số 68/BGDĐT- GDTrH của Bộ GDĐT về việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

Câu hỏi 6. Việc bỏ chấm điểm thường xuyên xuất phát từ những lý do nào? Ở các nước khác có việc này không?

Trả lời:

Trước hết, việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không chấm điểm là xuất phát từ thực tiễn. Trước khi triển khai Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, việc đánh giá thường xuyên chưa khuyến khích, chưa tạo cơ hội để GV đổi mới phương pháp dạy học; nhiều phụ huynh chịu áp lực về điểm số; nhiều HS còn học vì điểm số, chưa ý thức được việc học là để phát triển năng lực, phẩm chất cho chính mình chưa khuyến khích HS tự tin học tập, đặc biệt là những HS gặp khó khăn trong học tập.

Thứ hai, triển khai Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT là góp phần thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GDĐT. Trong đó, yêu cầu phải đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ ba, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không chấm điểm là cách đánh giá tiếp cận với xu thế đánh giá hiện đại của các nước phát triển. Khi thực hiện đánh giá thường xuyên đối với HS Tiểu học, nhiều nước trên thế giới đã không dùng điểm số.

Câu hỏi 7. Ưu điểm của việc đánh giá bằng nhận xét so với đánh giá bằng điểm số?

Trả lời:

Việc đánh giá bằng điểm số trong thời gian vừa qua thường được sử dụng để đo lường kết quả học tập của HS, phân loại HS. Đánh giá bằng điểm số tạo ra nhiều áp lực với HS, phụ huynh, đặc biệt đối với HS gặp khó khăn trong học tập. Thực tế cho thấy, điểm số chưa chắc đã đánh giá đúng năng lực của HS vì kết quả làm bài của HS phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đề kiểm tra có ra theo đúng yêu cầu của chương trình không; tâm trạng của HS khi làm bài thế nào Điểm số sẽ tạo ra sự so sánh giữa các HS với nhau, là một trong những nguyên nhân nảy sinh tâm lý đố kỵ, tình trạng học trước chương trình, học thêm. Do đó, việc nhận xét sự tiến bộ, hướng dẫn để HS thành công sẽ có tác dụng góp phần bồi dưỡng động cơ học tập đúng đắn và động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Chính sự thành công trong học tập sẽ mang lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS, giúp HS thích học và học tốt hơn.

Câu hỏi 8. Đánh giá vì sự tiến bộ của HS nghĩa là thế nào ?

Trả lời:

Đánh giá vì sự tiến bộ của HS nghĩa là GV coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; Coi trọng đánh giá ngay trong quá trình học tập của HS, biết được HS đạt kết quả bằng cách nào, vận dụng kết quả đó như thế nào, giáo viên tư vấn, giúp đỡ để HS hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn; hướng dẫn HS biết tự rút kinh nghiệm và nhận xét, góp ý cho bạn, khuyến khích cha mẹ tham gia đánh giá HS, từ đó giúp HS phát huy được khả năng của bản thân; giúp HS tự tin, thích học, say mê tìm tòi sáng tạo trong quá trình học để phát triển năng lực, phẩm chất của chính HS.

Câu hỏi 9. Câu nhận xét xác đáng có gì khác với câu nhận xét đúng (xác thực, chính xác)?

Trả lời:

Chất lượng giáo dục chỉ có được nếu HS tự tin, thích học, say mê tìm tòi sáng tạo trong quá trình học, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất của chính HS. Với cùng một kết quả học tập nhưng các HS khác nhau lại cần sự cố gắng khác nhau, nếu chỉ nhận xét về kết quả đạt được (thường được coi là Câu nhận xét đúng) thì sẽ không phù hợp với các HS khác nhau. Vì vậy, GV cần dựa vào mục tiêu, nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của học HS với chuẩn kiến thức, kĩ năng; xem xét, cân nhắc các đặc điểm tâm sinh lí, hoàn cảnh của HS để có nhận xét xác đáng, kịp thời, sao cho khích lệ được HS, làm cho các em hứng thú học tập; đồng thời tư vấn, hướng dẫn các em phát hiện được những hạn chế và biết tự mình khắc phục.

VD: Có 2 HS A (là HS có hoàn cảnh khó khăn, hay phải nghỉ học do sức khỏe yếu, lực học yếu) và HS B (gia đình có điều kiện tốt, là HS giỏi của lớp) làm bài kiểm tra cùng được 7 điểm thì GV cần có nhận xét, đánh giá khác nhau:

- Đối với HS A được GV nhận xét có cố gắng, cần phát huy và được các bạn trong lớp ghi nhận vì sự tiến bộ so với tuần trước, tháng trước; từ đó khích lệ được HS A, làm cho em tự tin, thích học, say mê và hứng thú học tập hơn;

- Đối với HS B thì GV phải tìm hiểu nguyên nhân và có thể thể hiện sự băn khoăn vì điểm 7 là thấp hơn so với khả năng và điều kiện học tập của HS B, điểm 7 cho thấy HS B chưa có tiến bộ so với trước để giúp HS B biết tự xem lại mình để tự khắc phục và tiến bộ.

Câu hỏi 10. Tại sao lại phải kết hợp đánh giá của GV, HS, cha mẹ HS ?

Trả lời:

Việc GV nhận xét những tiến bộ, hướng dẫn để HS thành công, động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập góp phần bồi dưỡng động cơ học tập đúng đắn. Chính sự thành công trong học tập mang lại niềm vui, hứng thú cho HS, giúp các em thích học và học tốt hơn.

GV hướng dẫn HS biết tự đánh giá và nhận xét, góp ý cho bạn. Thông qua việc nhận xét, góp ý cho bạn, HS sẽ tự rút ra bài học cho bản thân.

Thời gian HS ở nhà nhiều hơn ở trường, các thành viên khác trong gia đình có mối quan hệ gắn bó, tình cảm, am hiểu lẫn nhau nên cần phải khuyến khích cha mẹ tham gia nhận xét, hướng dẫn, giúp đỡ con em mình, để bổ sung hoặc theo sát sự tiến bộ, hoặc chậm tiến của con em họ. Phụ huynh sẽ xem nhận xét của GV trong vở để biết con mình học hành ra sao, từ đó có biện pháp phối hợp với GV dạy bảo cho con mình. Kết hợp giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội là một trong những phương châm giáo dục cơ bản.

Câu hỏi 11. Tại sao lại không so sánh HS này với HS khác?

Trả lời:

Điểm mới cơ bản về đánh giá HS Tiểu học theo Thông tư 30/2014 là đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của HS, giúp HS phát huy nội lực, tiềm năng của mình. Mỗi HS có điều kiện, hoàn cảnh, tâm sinh lý, khác nhau nên khả năng tiếp thu, mức độ tiến bộ và kết quả học tập trong từng giai đoạn của mỗi HS rất khác nhau. Có chuẩn mực chung nhưng cũng cần phải có những hi vọng, yêu cầu riêng cho từng từng HS. Do vậy, không so sánh HS này với học HS khác, không tạo áp lực cho HS, GV và cha mẹ HS.

Câu hỏi 12. Đánh giá quá trình là đánh giá như thế nào?

Trả lời:

Đánh giá quá trình học tập gồm đánh giá thường xuyên trong quá trình học hàng ngày (chỉ nhận xét, không dùng điểm số) và đánh giá định kì cuối học kì I và cuối năm học (dùng cả điểm số và nhận xét).

Đánh giá quá trình cần quan tâm toàn diện các hoạt động học tập và sinh hoạt, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo yêu cầu về kiến thức, kĩ năng của từng môn học và hoạt động giáo dục, vận dụng kiến thức, kĩ năng, qua đó hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

Câu hỏi 13. Những HS chưa hoàn thành chương trình học tập ở lớp học thì xử lý thế nào?

Trả lời:

Những HS và nhóm HS nào chưa hoàn thành chương trình học tập ở lớp học, GV giúp đỡ kịp thời để HS và nhóm HS biết cách hoàn thành; GV khen ngợi và động viên HS, chia sẻ kết quả hoạt động của các em.

GV thường xuyên gợi mở vấn đề và giao việc, chia việc thành những nhiệm vụ học tập khác nhau cho từng HS hoặc nhóm HS phù hợp với khả năng của từng HS/nhóm HS và tăng dần khối lượng, mức độ phức tạp. Trong mỗi nhiệm vụ đó, GV quan sát, theo dõi, và có thể thực hành với HS/ nhóm HS và có sự hỗ trợ khi cần thiết.

Đối với HS chưa hoàn thành chương trình lớp học, GV lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng HS; đánh giá bổ sung để xét việc hoàn thành chương trình lớp học.

Câu hỏi 14. Những HS chưa hoàn thành chương trình ở lớp dưới thì có thể được học ở lớp trên không? Nếu phải học lưu ban thì xử lý thế nào?

Trả lời:

Đối với những HS đã được GV trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt ít nhất một trong các điều kiện:

- Đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục: Hoàn thành;

- Đánh giá định kì cuối năm học các môn học theo quy định: đạt điểm 5 (năm) trở lên;

- Mức độ hình thành và phát triển năng lực: Đạt;

- Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: Đạt;

Tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, bài kiểm tra định kì, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp;

Thông qua hoạt động nghiệm thu, bàn giao chất lượng HS giữa các GV do hiệu trưởng chỉ đạo và thông qua hồ sơ của HS mà GV lớp trước bàn giao cho GV lớp sau, sẽ có nhận xét như em này được lên lớp nhưng còn yếu ở điểm này, điểm kia. Thậm chí với mô hình trường học mới (VNEN) là nơi chấp nhận một lớp có HS nhiều trình độ (lớp ghép) thì sẽ có thể lên lớp nhưng vẫn còn nợ một phần của lớp trước, được lên lớp nhưng phải học bù. Hoặc cho HS ở lại lớp, hoàn thành nốt phần thiếu rồi lại cho lên, không bắt phải học lại cả năm học.

Câu hỏi hỏi 15. Với cách đánh giá thường xuyên không dùng điểm số, làm thế nào để phụ huynh biết được chất lượng học tập của con mình?

Trả lời:

Thực tế, ngoài giáo dục của nhà trường, HS thường xuyên được gia đình giáo dục về tất cả các mặt mà không hề chấm điểm. Có nhiều cách để phụ huynh có thể nắm được chất lượng học tập của con mình. Chẳng hạn như có thể hàng ngày trao đổi, hỏi con hôm nay con học được những gì ở lớp; hoặc xem vở, phiếu học tập, các bài làm, lời nhận xét của GV; hoặc hỏi trực tiếp GV về khả năng học tập của con mình

Câu hỏi hỏi 16. Tại sao bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học vẫn cần được đánh giá bằng điểm số kèm theo lời nhận xét?

Trả lời:

Giáo viên, cha mẹ HS và nhiều người khác đã giúp đỡ, nhận xét HS trong suốt học kỳ, trong năm học. Ai cũng hy vọng rằng mình đã làm đúng cách, có tác dụng tốt, giúp HS tiến bộ và đạt được kết quả học tập như mong muốn. Điểm số bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm giúp chúng ta xác minh được những điều hi vọng ấy. Điểm số đó để xác nhận kết quả học tập của HS, không nhằm xếp thứ hạng các em trong lớp.

Nếu điểm số đó rất khác thường với những nhận xét, đánh giá thường xuyên HS thì nguyên nhân có thể là: hoặc chúng ta đã đánh giá, nhận xét thường xuyên chưa đúng, cần phải điều chỉnh cách dạy, cách học, cách đánh giá cụ thể; hoặc là có nguyên nhân đột xuất đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả làm bài của HS, ví dụ gia đình HS có việc đột xuất, hôm đó em bị mệt, GV cần tìm hiểu để biết rõ nguyên nhân. Trong trường hợp này, GV có thể cho HS làm thêm bài kiểm tra khác để khẳng định lại nhận xét, đánh giá về HS./.

BỘ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Video liên quan

Related posts:

Post a Comment

Previous Post Next Post

Discuss

×Close