Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho giáo dục như thế nào

Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho giáo dục như thế nào

Tìm lời giải cho những tồn tại trong đầu tư giáo dục đào tạo nước ta. Ảnh: TL

Những tồn tại, hạn chế của chính sách đầu tư cho giáo dục đào tạo

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nhiều năm qua tỷ lệ chi ngân sách chogiáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP nhưng vẫn còn nhiều bất cập... Đó là sự bất hợp lý trong cơ cấu đầu tư cho giáo dục đào tạo. Tỷ lệ chi thường xuyên chiếm trên dưới 82% tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đào tạo. Chi đầu tư xây dựng cơ bản rất thấp so với nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm.

Cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều cơ sở dạy nghề thiếu về số lượng và lạc hậu về chất lượng. Vẫn còn khoảng 31% số phòng học và 50,7% số xưởng thực hành là nhà tạm; chỉ khoảng 20% số trường được trang bị một số thiết bị ở mức độ công nghệ khá, còn lại mới chỉ được trang bị cho thực hành, về cơ bản chưa hình thành được các trường dạy nghề chất lượng cao do định mức phân bổ ngân sách cho dạy nghề hiện nay quá thấp, đào tạo chưa thật gắn kết với mục tiêu, không dựa vào căn cứ hiệu quả đầu ra.

Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa được quan tâm đúng mức. Cơ cấu chi chưa hợp lý dẫn đến chất lượng giáo dục thấp. Học sinh tốt nghiệp còn hạn chế về tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, năng lực vận dụng những kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết cho hội nhập, khả năng thích ứng với công việc, ý thức tổ chức kỷ luật còn hạn chế. Do đó, khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học. Đây là một trong những thách thức đang đặt ra đối với lộ trình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Hiện nay học sinh Việt Nam đã được tiếp cận công nghệ ngay từ nhỏ. Ảnh: TL

Trong cơ cấu chi theo cấp học, chi cho giáo dụcmầm non và giáo dục phổ thông chiếm xấp xỉ 70% tổng chi cho giáo dục. Trong khi đó, chi cho đào tạo cao đẳng và đại học trên 12%, giáo dục nghề xấp xỉ 10%. Tỷ lệ này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo của khối cao đẳng, đại học, giáo dục nghề nghiệp, khó có điều kiện cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, quy mô diện tích của nhiều trường quá nhỏ, tình trạng thiếu phòng học, giảng đường, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ, thư viện, bể bơi, sân vận động khá phổ biến. Do vậy, dù tổng chi ngân sách cho giáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20%, nhưng chủ yếu đang dành để chi cho con người, khó đảm bảo điều kiện học tập có chất lượng cũng như việc thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên kỹ năng thực hành của học sinh Việt Nam còn yếu. Ảnh: TL

Một số giải pháp

Theo bà Hoa, việc quy định chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước ngay trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này là một điểm nhấn quan trọng trong chính sách dành cho giáo dục. Tuy nhiên, cũng nên xác định lại cơ cấu ngân sách đầu tư cho giáo dục bảo đảm hợp lý hơn.

Trong đó, cần tập trung ngân sách Nhà nước cho giáo dục phổ cập, hỗ trợ các địa bàn, đối tượng đặc thù. Thực hiện chính sách chia sẻ chi phí đào tạo giữa người học và Nhà nước đối với giáo dục mầm non, phổ thông các vùng thành thị và giáo dục đại học. Cùng với đó, để giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước, cần có thêm chính sách tăng cường nguồn lực phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt trong đào tạo đại học thuộc các ngành kỹ thuật công nghệ và giáo dục nghề nghiệp.
Chúng ta cần điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư cho giáo dục và đào tạo theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu chi giữa các bậc học, ngành học. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cả từ ngân sách và xã hội, tập trung ngân sách đầu tư cho mục tiêu phổ cập. Ngoài ra, nên phát triển hài hòa tỷ lệ giữa các ngành đào tạo.

Đặc biệt, nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương dành cho giáo dục hiện đang được thực hiện không thống nhất giữa các địa phương. Do vậy, cần xây dựng cơ chế quản lý ngân sách theo ngành, xác định rõ vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc tham gia vào quá trình xây dựng ngân sách định kỳ, quản lý và sử dụng ngân sách dành cho giáo dục ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Ðội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Do vậy, một trong những điểm mới của dự thảo luật Giáo dục sửa đổi là việc đặt ra vấn đề nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên.

Theo đó, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm, đối với giáo viên tiểu học là đại học sư phạm. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, việc nâng chuẩn này đã được tính toán kỹ theo một lộ trình cụ thể.

Tuy nhiên, muốn nâng chất lượng đội ngũ cần nâng chuẩn đào tạo là một giải pháp cần thiết, nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác. Trong đó, cần quan tâm nhiều hơn về chất lượng đào tạo của hệ thống các trường sư phạm, quan tâm nhiều tới tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đồng thời, tạo môi trường làm việc tốt và chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút người có tài, có tâm lựa chọn nghề giáo. Như vậy mới có thể xây dựng được một đội ngũ nhà giáo giỏi cho ngành để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Thêm nữa là việc điều chỉnh cơ cấu chi giữa các bậc học, ngành học. Cần ưu tiên phát triển hài hòa tỷ lệ giữa các ngành đào tạo, thực hiện tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa giáo dục. Nhà nước cần dự báo, từ đó xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo ngành nghề. Có thể coi đây là hoạt động cơ bản để xác định nhu cầu và bố trí vốn đầu tư cho giáo dục, đào tạo.

Ðội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Ảnh: TL

Nhà nước hỗ trợ trực tiếp học phí đối với một số đối tượng thuộc diện chính sách; cho vay tín dụng ưu đãi đối với sinh viên thuộc gia đình nghèo, cận nghèo. Phương thức phân bổ ngân sách Nhà nước cho các trường đại học chuyển sang cơ chế đặt hàng. Trường nào tốt thì Nhà nước sẽ đặt hàng, trường nào làm không tốt ngân sách Nhà nước sẽ không cấp kinh phí.

Ngoài ra, để giảm bớt áp lực chi tiêu từ ngân sách Nhà nước, huy động được các nguồn lực phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đặc biệt trong đào tạo đại học thuộc các ngành kỹ thuật công nghệ và dạy nghề. Nhà nước cần đơn giản hóa những quy định về thủ tục và điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo, đồng thời khuyến khích tính cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Tăng Thu Hằng

Video liên quan

Related posts:

Post a Comment

Previous Post Next Post

Discuss

×Close